Giá xăng giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn cao, ai chịu trách nhiệm?

09:22 - 27/07/2022

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, để giá hàng hoá cao như hiện nay có 60% trách nhiệm thuộc nhà quản lý, còn lại là lỗi “té nước theo mưa” của người kinh doanh.

Trước thực trạng giá xăng liên tục giảm mạnh trong hai kì điều hành gần đây, tuy nhiên, giá cả hàng hóa nhất là thực phẩm vẫn ở ngưỡng cao, Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với cựu Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú để cùng mổ xẻ vấn đề.

vvp-1658829814.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

PV: Thưa ông, giá xăng dầu đã hạ nhiệt với 2 kì liên tiếp giảm sâu. Người dân, doanh nghiệp kì vọng các kì điều hành tới giá mặt hàng thiết yếu này sẽ tiếp tục được điều hành giảm để giảm bớt gánh nặng khó khăn sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên có một vấn đề, giá xăng dầu giảm nhưng giá cả thị trường vẫn ở ngưỡng cao. Ông có nhìn nhận gì về thực trạng này?

VVP: Trên thực tế, tình hình xăng dầu ở nước ta tăng lên khoảng 10.000 – 11.000 đồng/lít trong 6 tháng qua do tác động từ giá xăng thế giới. Nhưng 2 kì điều hành vừa qua, giá xăng dầu đã giảm khoảng 6.000 đồng/lít. Đối với đợt điều chỉnh vừa rồi, giá xăng giảm mạnh, theo tôi đây là bước tiến lớn trong vấn đề giảm thuế phí theo kiến nghị của các chuyên gia đầu ngành.

Do tình hình biến động trên thế giới mà giá hàng hóa thị trường cũng tăng và ở mức cao. Có thể chỉ ra các nguyên nhân chính khiến giá cả hàng hóa tăng giá: Thứ nhất, người dân đang kỳ vọng chờ đợi giá xăng trong kì điều chỉnh tới đây (ngày 1/8) sẽ ổn định đến cuốn năm nên còn tình trạng “nghe ngóng”.

Thứ hai, sau đại dịch Covid-19, người sản xuất kinh doanh bị thua lỗ, tàu cá nằm bờ, doanh nghiệp ít sản xuất, nhiều dịch vụ đóng cửa, tâm lý các doanh nghiệp muốn bù lỗ nên giá hàng hoá chưa thể giảm. Thứ ba, tỉ lệ giá xăng dầu giảm chỉ ở mức 60%, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu VAT chưa được đề cập rõ ràng, mặc dù các chuyên gia kinh tế đã kiến nghị.

PV: Theo ông, nhà quản lý có vai trò như thế nào trong việc kiềm chế lạm phát giá cả hàng hoá? Và để giá cả hàng hóa tăng phi mã theo giá xăng nhưng khi giá xăng giảm, giá cả thị trường không giảm, trách nhiệm chính thuộc về ai?

VVP: Thẳng thắn mà nói thì trách nhiệm trước hết thuộc về hai bộ là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Lý do là điều hành giá xăng không chặt chẽ. Các cơ quan này điều hành chuỗi cung ứng xăng dầu chưa thanh thoát, việc dự trữ xăng dầu trong nước tối đa có 5 ngày. Trong khi đó, nước ngoài họ dự trữ trong 3 – 6 tháng hơn 100 triệu lít xăng, dầu; khi giá dầu thấp họ tích luỹ bằng cách thu mua dự trữ, chờ đợi thời cơ giá xăng, dầu tăng cao thì họ trực tiếp bán ra. Vì mục đích lâu dài nên các nước họ thu nguồn lợi nhuận từ xăng, dầu rất lớn.

Thứ nữa theo tôi các kỳ điều hành giá xăng dầu hiện nay rất sơ sài, thủ công, nguồn tin nắm không chắc chắn và chưa đi sát tình hình thực tế với nhân dân, doanh nghiệp.

PV: Trước thực trạng giá cả “leo thang” trong khi thu nhập của người lao động vẫn rất thấp, trong thời buổi ‘bão giá” như thế này ông có lời khuyên nào giúp người tiêu dùng có thể cân đối tài chính trong tầm kiểm soát giá cả, tránh tình trạng “chưa đi đến chợ mà túi đã hết tiền”?

VVP: Hiện nay, về cơ bản đại dịch Covid 19 đã được kiểm soát nhưng ảnh hưởng lên nền kinh tế thị trường trong nước vô cùng nặng nề, kết hợp thêm yếu tố giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực đến phần lớn người dân, làm giảm năng suất lao động, hiệu quả kinh tế giảm sút. Cho nên, theo tôi, không cần nhắc đến tính toán chi tiêu mà người dân đã có ý thức để tiết kiệm. Kinh tế Việt Nam hậu đại dịch đã phản ánh rõ điều này.

Người dân cần có nhiều sáng kiến trong việc tiết kiệm chi tiêu khi giá hàng hoá đạt đỉnh, ví dụ như: mua chung, bán chung các mặt hàng; mua tận gốc, bán tận ngọn; xem xét các mặt hàng có giá hấp dẫn. Bởi vậy, để giải quyết tốt tình trạng này Bộ Công Thương nên tổ chức quy hoạch hệ thống phân phối hàng hóa thật tốt.

Theo tôi, các văn bản điều hành giá của Bộ, ban, ngành vẫn có nội dung chung chung, không thống nhất; tiểu thương ở các chợ nắm được quy định mang tính “chung chung” này nên họ “lách luật” làm ăn không cần niêm yết giá. Chúng ta cần xem lại việc điều hành hệ thống phân phối quốc gia, hỗ trợ cho người tiêu dùng tốt hơn và cần công khai, minh bạch về giá.

PV:  Xin trân trọng cảm ơn ông./.

 

 
 Hồ Đức Chính (thực hiện)
Bạn đang đọc bài viết "Giá xăng giảm mạnh, giá hàng hoá vẫn cao, ai chịu trách nhiệm?" tại chuyên mục Kinh Tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0916 646 777) hoặc gửi email về địa chỉ ( doisongvathuonghieu@gmail.com).
\