Họa sĩ Nguyễn Thái Cớ sinh ra ở Làng và cũng lớn lên ở Làng. Đó là một vùng quê Đồng bằng châu thổ sông Hồng, nơi lưu giữ và phát triển bề dày văn hóa Việt. Các khu di tích bao quanh từ thời Lý, Trần, Lê,… còn khá nhiều như Chùa Bà Tấm, Đền Ghên, chùa Hương Lãng, chùa Thái Lạc, chùa Nôm, … với nhiều hiện vật cổ cấp Quốc gia còn được lưu giữ. Và cận kề bên kia Sông Đuống là Kinh Bắc, bên này Phố Hiến xưa.
Nói vậy để thấy cái xa xưa như đang còn hiện hữu, dễ tiếp dẫn một mạch nguồn cảm xúc cho nghệ sĩ. Và thông thường, những tiếp nhận ấy sẽ là bề dày về văn hóa, bản sắc, con đường. Nó như đã ngấm tự bao giờ để khi mở - gợi ra những câu chuyện hội họa, chính là những câu chuyện, cảm xúc về sắc thái đổi thay của mùa, về tình cảm của con người đối với thiên nhiên, con người đối với con người... Chính điều này mà người ta đi và tìm về cái bản ngã.
Nguyễn Thái Cớ đã có nhiều cuộc đi, vẽ nhiều, và có nhiều cuộc trưng bày tác phẩm với các nhóm bạn bè. Nhưng đến lần này, họa sĩ trình làng đầu tiên mang dấu ấn cá nhân với những tác phẩm Sơn mài mang tên “Gọi mùa”.
Trong lời giới thiệu Triển lãm, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Viết: “Nguyễn Thái Cớ có cách gọi mùa cũng lạ. Đĩa màu cứ thả dần dà xuống đáy vóc trong sâu, đen thăm thẳm, khó biết đâu là chỗ tận cùng. Rồi cứ theo mùa, khẽ khàng và nồng nã gọi mùa lên. Ngữ điệu Trừu tượng đeo bám Xuân, Hạ, Thu, Đông gọi mắt ta nhìn và buộc ta thả lòng nhẹ nhõm theo hai mươi bốn tiết khí trong năm…”
Cuộc bày đặt này được Họa sĩ ấp ủ nhiều năm và cũng là nỗi trăn trở về con đường riêng của mình. Với Thái Cớ hội họa thật kỳ lạ, kỳ lạ đến mức nó bình dị, như ngấm vào máu kiểu “như rượu uống lúc say”.
Nhưng những gì thuộc về họa sĩ như thể “việc ý không có gì, và hình như những điều tự nhiên ấy để Thái Cớ bước đi, trải nghiệm, và hiện thân. Họa sĩ đã chia sẻ: “Diễn tả thời gian đang đi là nắm bắt cái không gian cảm được. Và tôi lấy cái không gian bên trong ấy để biểu đạt mối liên hệ giữa con người và thời gian với đủ khí - tiết”.
Ở Thái Cớ, một góc nhìn mở cho một câu chuyện về một Sơn ta, Sơn mài Việt không giàng buộc, không công thức và không có điểm bắt đầu hay kết thúc. Tự nhiên như gió vờn ngọn tre, như mùa hè khó ở ! Nói vậy để thấy sự hào hứng, ào ạt, ập đến với họa sĩ như cái cảm sẵn có về Nắng, về Gió, như cái phùn sương giăng màng nhện, như cái hanh cạn đồng chiều... và Gọi Mùa chính là một miền triết riêng để một mình Thái Cớ say trong ý.
Thái Cớ có cái đắm say, mặn mòi, cái ào ạt thấp thoáng, cái hút hồn và phô phẩy, sần sùi và cái phiêu bợt, ngất ngây. Và Sơn mài là chất liệu có lẽ đáp ứng được Cớ chăng? Có thể việc ý khó dứt để trả cho đúng một việc là từ Sơn Mài mà buông vào đó cái tự do, cái nhẹ của sương, khê cháy, cái mướt mải, mươn man, thẳm đượm, cái mạnh của bão tố, cái có mà không…
Hoạ sĩ Nguyễn Thái Cớ
Giới thiệu họa sĩ:
Nguyễn Thái Cớ
Sinh năm 1976, Hưng Yên , Việt Nam.
Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam
Hoạt động nghệ thuật:
- Triển lãm Mỹ thuật khu vực II và toàn quốc từ 2006 đến nay.
- Triển lãm nhóm Họa sĩ trẻ năm 2002 tại Hà Nội.
- Triển lãm nhóm Bạn Bè năm 2009 tại Quảng Trị.
- Triển lãm nhóm vẽ chân dung năm 2016 tại Hà Nội.
- Triển lãm nhóm Điểm chạm năm 2017 tại Hà Nội.
- Triển lãm nhóm Tết Mậu tuất năm 2018 tại Hà Nội.
- Triển lãm nhóm Tết Tân sửu năm 2021 tại Hà Nội.
- Triển lãm ca nhân Gọi mùa năm 2023 tại Hà Nội.