Bắc Giang: Mô hình "kinh tế xanh" cho đặc sản gà núi Hương Sơn hướng tới sản phẩm OCOP

11:37 - 28/09/2022

Gà núi Hương Sơn (Lạng Giang - Bắc Giang) đã và đang trở thành sản phẩm được nhiều nhà tiêu dùng lựa chọn bởi chất lượng vượt trội. Trong thời gian tới, gà núi Hương Sơn sẽ được huyện Lạng Giang lựa chọn là sản phẩm đặc trưng, có tính cạnh tranh về thương mại...

Khi nhắc tới các đặc sản tại Bắc Giang, người ta thường nghĩ ngay tới vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, rượu làng Vân… và thật thiếu sót nếu như không kể tới sản phẩm gà núi Hương Sơn. Trong vài năm trở lại đây, gà núi Hương Sơn đã chiếm được thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh bởi gà có mẫu mã đẹp, chất lượng thịt thơm ngon đặc trưng.

z3741277715508-f1469381ae07ea8d92b99a198f0d1eba-1663818817.jpg
Gà núi Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Lãnh đạo UBND xã Hương Sơn cho biết: “Gà đồi Hương Sơn đã có từ lâu đời, trước đây sản phẩm gà thả đồi tại Hương Sơn chủ yếu được các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau này, các mô hình nuôi gà thả đồi mới được nhân rộng và tập chung chủ yếu tại thôn Đồn Cầu Bằng và Đồn 19. Với địa hình đồi núi, thuận tiện cho việc áp dụng các mô hình chăn nuôi gà, trồng cây ăn quả thì trong thời gian tới xã Hương Sơn sẽ đưa sản phẩm quả dứa và gà núi vào chương trình “mỗi xã một sản phẩm - OCOP” nhằm tạo ra thương hiệu và thị trường cho cho người nông dân”.

Được biết, trên địa bàn xã Hương Sơn hiện nay có khoảng 15 hộ gia đình đã áp dụng mô hình gà thả đồi với quy mô lớn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2021 Hợp tác xã (HTX) gà núi Hương Sơn nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã được thành lập với 11 thành viên, chăn nuôi theo mô hình “gà thả đồi”.

z3741277715086-0638bae7d39c6fc1956cdae40c11d250-1663818817.jpg
Gà núi Hương Sơn đã nuôi được 1 tháng tuổi.

Có mặt tại khu chăn nuôi gà của ông Trần Văn Đồng - Giám đốc HTX Gà núi Hương Sơn, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được đó chính là diện tích nuôi gà rộng rãi, thoáng mát và đặc biệt là không khí khá trong lành chứ không hề có mùi khó chịu. Được biết, diện tích nuôi gà của nhà ông Đồng khoảng 3ha vườn đồi, khu chăn nuôi nằm cách xa khu dân cư.

Ông Đồng cho biết, hiện tại gia đình ông đang nuôi khoảng 10.000 con gà, trong đó có 3.000 con đã đủ tiêu chuẩn để bán ra thị trường với giá bán 75.000- 80.000 đồng/kg tùy giống gà.

Mặc dù đã ở tuổi “thất tuần” nhưng ông Trần Văn Đồng vẫn say mê tìm tòi, học hỏi những mô hình mang hiệu quả cao về chất lượng và giúp cho sản phẩm gà núi Hương Sơn ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Mới đây, ông Đồng đã áp dụng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi đối với đàn gà của gia đình.

z3741277699799-40f9e1598d82ceccbe754278393285b2-1663818816.jpg
Ông Đồng "khoe" thành quả khi sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi gà thả vườn tại HTX gà Núi, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang được Hội nông dân tỉnh Bắc Giang khuyến khích, hỗ trợ và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.

Ông Đồng chia sẻ: “Gia đình tôi áp dụng mô hình chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trên 2.000 con gà, hiện tại lứa gà này đã đạt đủ tiêu chuẩn để đưa ra thị trường tiêu thụ. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi gà giúp cho người nông dân chúng tôi nhàn hơn rất nhiều mà chất lượng con gà lại cao lên. Lứa gà được áp dụng mô hình này cho thấy sức khỏe của những con gà tăng lên, tỉ lệ gà chết giảm xuống và đặc biệt là chất lượng thịt gà lại thơm ngon hơn. Bên cạnh đó, một trong những hiệu quả lớn nhất mà tôi nhận thấy trong quá trình áp dụng mô hình này là môi trường được cải thiện rõ rệt, đứng giữa khu chăn nuôi mà cũng chẳng thấy mùi gì”.

z3741277708839-67d44385e1f33c17c4602678419c2ac1-1663819217.jpg
Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po đã giúp cải thiện môi trường đáng kể.

Ông Đồng cũng chia sẻ thêm, không chỉ mang lại chất lượng sản phẩm cao, mô hình nói trên đã giúp người nông dân giảm được chi phí từ thuốc, vắc xin cho gà, giảm được tỉ lệ gà chết trong quá trình chăn nuôi từ đó lợi nhuận tăng lên.

Bà Vũ Thị Phương - Chủ tịch Hội nông dân xã Hương Sơn cho biết: “Qua tính toán hiệu quả kinh tế cho thấy mô hình gà thả vườn có sử dụng chế phẩm HTMAXigest sau khi trừ các chi phí hộ chăn nuôi thu được lợi nhuận cao hơn so với gà nuôi thả thông thường của HTX trên cùng một thời điểm cụ thể là: 28.008.200 đồng/2000 con, sau thời gian nuôi 106 ngày. Mô hình khẳng định được chế phẩm HTMAXigest đáp ứng tốt nhu cầu của người chăn nuôi, thích ứng với điều kiện khí hậu, môi trường của địa phương, trên cơ sở đó lựa chọn được sản phẩm có tiềm năng và chất lượng tốt đáp ứng được nhu cầu của người chăn nuôi”.

Có thể thấy, việc áp dụng mô hình chế phẩm sinh học HTMAXigest Po đã phần nào giúp cho người chăn nuôi gà giảm được chi phí và công sức mà chất lượng sản phẩm lại tăng lên.

Đặc biệt theo báo cáo của Trung tâm hỗ trợ nông dân - Hội nông dân tỉnh Bắc Giang cho thấy, mô hình này đã giảm thiểu được từ 85%-90% mùi hôi từ chất thải trong chăn nuôi, góp phần quan trong cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí trong chăn nuôi.

Hiện nay, nhằm giúp sản phẩm Gà núi Hương Sơn phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cho người dân, địa phương đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm này. Hứa hẹn trong thời gian tới đây sẽ là mô hình phát triển “kinh tế xanh” và tạo ra sản phẩm gà núi Hương Sơn đặc trưng, mang chất lượng cao và có tính cạnh tranh cùng các sản phẩm OCOP.

 

 

 

 

 
 Quang Chương
Bạn đang đọc bài viết "Bắc Giang: Mô hình "kinh tế xanh" cho đặc sản gà núi Hương Sơn hướng tới sản phẩm OCOP" tại chuyên mục Kinh Tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0916 646 777) hoặc gửi email về địa chỉ ( doisongvathuonghieu@gmail.com).
\