Cách đây không lâu, cộng đồng người Việt Nam ở Ba Lan khá vui mừng khi nghe thấy ông Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Phát triển Ba Lan - Paweł Chorąży - tuyên bố là nền kinh tế của quốc gia này đang thiếu nhân công trầm trọng.
Theo ông, nếu chỉ có người Ukraina không thôi sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, vì họ sẽ đi tiếp sang các quốc gia Tây Âu khác, mà Ba Lan sẽ phải rộng cửa chào đón các lao động từ các quốc gia Đông Nam Á xa xôi khác như là Việt Nam và Philippines.
Do vậy, sau khi có những tuyên bố như vậy Thứ trưởng Paweł Chorąży nói trên đã bị Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cách chức, bởi vì là tuyên bố của ông này dù đúng sự thật, nhưng không phù hợp với đường lối chính trị của đảng cầm quyền.
Chính quyền cho là ông Thứ trưởng đã 'nói quá lời' về dân nhập cư, trong khi đảng cầm quyền rất dị ứng với chủ đề này.
Quan sát thị trường thì thấy là đã có một số nhân công Việt Nam được nhận visa lao động sang Ba Lan làm việc, như nhóm thợ hàn (khoảng 100 người) và một số công nhân khác ở các nhà máy chế biết thịt và hoa quả trên khắp Ba Lan.
Nhưng nói chung những con số người lao động Việt Nam được sang Ba Lan vẫn còn khá khiêm tốn.
Do vậy, vì nhu cầu mưu sinh, nhiều người Việt vẫn vượt biên vào Ba Lan bất hợp pháp và thường xuyên bị Cục Biên phòng Ba Lan bắt giữ.
Tôi được biết Biên phòng Ba Lan hưởng sự hỗ trợ khá lớn về trang bị và tài chính từ EU cho công tác bảo vệ biên giới phía Đông của cả khối.
Dù có thông tin như một số bài báo đã đưa ra là số lượng người Việt ở Ba Lan có phần giảm đi, hoặc ít ra khu vực làm ăn của họ bị cạnh tranh từ doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, nhưng nhìn chung, số người Việt muốn được xuất ngoại sang châu Âu gồm cả Ba Lan vẫn còn rất cao.
Thái độ dân tộc chủ nghĩa và ghét EU
Nhu cầu cần lao động nước ngoài hay là nền kinh tế thị trường là một chuyện, còn diễn biến chính trị lại là chuyện khác.
Không chỉ có người lao động từ Đông Nam Á, mà người Ấn Độ, Nepal cũng đã có mặt tại Ba Lan từ mấy năm qua.
Ba Lan cho rằng dân nhập cư mang lại rất nhiều vấn đề cho Liên hiệp châu Âu (EU).
Thực ra, nhà nước Ba Lan đã và đang có những chính sách khá mở cửa, để những lao động nước ngoài và cả gia đình của họ có thể dễ dàng xin được giấy phép lao động và thẻ cư trú.
Nhưng người ta lại không muốn nói nhiều về chủ đề quan trọng và nhạy cảm này.
Ông cựu thứ trưởng Paweł Chorąży đã phải viết bản tuyên bố là những phát biểu liên quan đến nhu cầu dân nhập cư chỉ là quan điểm của cá nhân ông ta, chứ không phải là cương vị chính thức của chính phủ và đảng cầm quyền Ba Lan (PiS).
Chính sách nhập cư liên quan đến nhiều bộ ngành của Ba Lan, và họ sẽ không thể tránh đề cập đến chủ đề này.
Nhưng quan điểm chính thức, theo lời Bộ trưởng Nội vụ Joachim Brudziński, là Ba Lan sẽ luôn khắt khe trong vấn đề kiểm soát dân nhập cư.
Mặt khác, chính quyền Ba Lan vẫn đang kêu gọi và hy vọng là dân Ba Lan ở các quốc gia khác hồi hương để cùng xây dựng nền kinh tế vững chắc và duy trì tính dân tộc mạnh mẽ của nước quê hương.
Những khái niệm 'yêu nước', 'độc lập', 'tự chủ' luôn được truyền thông của chính phủ nhắc đến.
Nhưng có vẻ như đây vẫn chỉ là ước nguyện của chính quyền, bởi vì lượng dân Ba Lan bỏ cuộc sống ở các quốc gia khác tại Phương Tây để hồi hương hiện vẫn là những con số rất khiêm tốn.
Thậm chí, làn sóng dân Ba Lan đi ra nước ngoài sinh sống vẫn còn đó nhất là khi họ cảm thấy lo ngại là chính quyền mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hiện nay đang muốn thâu tóm toàn bộ hệ thống tư pháp, hạn chế quyền công dân và là suy yếu thể chế tam quyền phân lập.
Bên cạnh đó, chính sách mị dân như phát tiền cho trẻ em và học sinh một khi không có sự hỗ trợ của EU sẽ gây khó khăn cho kinh tế Ba Lan.
Tăng trưởng ở Ba Lan sẽ khó mà duy trì được mãimà sẽ có lúc phải khựng lại.
Khi đó nhà nước có thể sẽ gặp nhiều khó khăn về ngân sách, đặc biệt là lương hưu cho người già, nếu số lượng lao động ở Ba Lan sẽ không được tăng mạnh.
Công bằng mà nói, từ khi Ba Lan gia nhập EU (2004) và được sự hỗ trợ khá lớn của cả cộng đồng châu Âu, kinh tế của họ phát triển khá mạnh và đều.
Nhưng gần đây, từ khi đảng Pháp luật và Công lý (PiS) lên nắm quyền, chủ nghĩa dân tộc với một số biểu hiện nhiều khi khá cực đoan lại được đề cao.
Chính quyền cho ra hàng loạt các bộ luật chỉ có lợi cho đảng PiS và bị chỉ trích không chỉ bởi các đảng phái đối lập ở Ba Lan, mà còn khiến EU lo lắng là Ba Lan không muốn xây dựng quốc gia pháp quyền, theo tiêu chuẩn chung của châu Âu.
Trước kỳ bầu cử cấp hội đồng tự quản địa phương cuối tháng 10 năm nay, Tổng thống Andrzej Duda lại có tuyên bố rằng Ba Lan cần phải nhấn mạnh đến những lợi ích dân tộc, mà không nên quan tâm nhiều đến một 'cộng đồng viễn tưởng' phi thực tế nào đó, hàm ý là Liên hiệp châu Âu.
Cùng tư tưởng bài xích EU, nhiều chính trị gia trong đảng cầm quyền còn luôn lo ngại đến những khái niệm nhạy cảm khác như 'dân nhập cư'.
Cũng thật khó hiểu về một số lượng khá đông người dân Ba Lan, là những cử tri đang ủng hộ chính quyền đương thời của đảng cánh hữu PiS.
Trước đây, khi Ba Lan còn là một quốc gia cộng sản, cùng trong Khối hiệp ước Warsaw và Hội đồng Tương trợ Kinh tế với Liên Xô, nhiều người dân ước ao được sang Tây Âu và muốn có được sự tự do và dân chủ thật sự.
Vậy mà ngày nay, khi được các nước Tây Âu rộng tay mở cửa chào đón, họ lại lên tiếng chỉ trích EU và tỏ ra khó chịu khi nghe đến tên các thủ đô châu Âu như Brussels và Paris, và rất nhiên là Berlin vốn bị gắn với di sản quan hệ phức tạp giữa Ba Lan với Đức trong quá khứ.
Hiện khó nói EU và Ba Lan có phát triển theo hướng nào trong tương lai, nhưng hy vọng là chính quyền Ba Lan sẽ cho ra được những chính sách phù hợp với nguyện vọng của cộng đồng người Việt ở Ba Lan và nhiều người Việt trong nước.
Chỉ khi đó số lượng người Việt sinh sống và làm việc ở Ba Lan sẽ không giảm đi mà ngày càng tăng và họ có thể đóng góp cho nền kinh tế quốc gia này cũng như cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình một khi đã đặt chân đến Ba Lan.
Theo BBC Tiếng Việt