Hôm nay, vừa tròn một năm xuất bản, các ấn phẩm in và điện tử của Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã đăng tải hàng trăm bài viết, hàng ngàn tin tức, tư liệu, hình ảnh tập trung chứng minh và làm rõ nội hàm “kinh tế xanh” (green economics).
Kinh tế xanh, hiểu theo nghĩa rộng, là một nền kinh tế phát triển toàn diện, vững chắc nhằm mục đích cải thiện môi trường sống của người dân và phát triển của cải vật chất cho xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu mọi hiểm họa môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên đất nước. Nói cách khác, kinh tế xanh là sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố: Kinh tế, xã hội và môi trường trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.
Các bài viết của tạp chí đồng thời chú trọng phân tích, phản biện, trao đổi làm sáng tỏ các quan điểm, mục đích, ý nghĩa quan trọng các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Nhà nước; vai trò, nhiệm vụ của các doanh nghiệp, doanh nhân, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã về xây dựng, phát triển nền kinh tế xanh bền vững ở Việt Nam, phản ánh các mô hình, điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp đạt giá trị và hiệu quả kinh tế cao theo hướng tăng trưởng xanh bền vững.
Là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội, Tạp chí đã quan tâm phản ánh các hoạt động, chương trình công tác của Hiệp hội như: Giới thiệu một số mô hình thí điểm sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng trưởng xanh của Hiệp hội ở một số tỉnh miền núi, hoạt động kết nối thương mại, dịch vụ nông sản hàng hoá của văn phòng đại diện Quảng Ninh, Tây Nguyên, hoạt động xúc tiến việc làm, ứng dụng khoa học vào thực tiễn sản xuất của một số Viện Nghiên cứu và Trung tâm trực thuộc Hiệp hội… Phản ánh kịp thời các cuộc hội thảo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa Hiệp hội với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngoài các nội dung kể trên, Tạp chí cũng đã thông tin, phản ánh nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, thể thao, du lịch trên cả nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 1 năm xuất bản Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh, Ông Vũ Văn Quang, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh xúc động: “Mặc dù mới xuất bản được một năm và đang phải cố gắng để tự khẳng định mình trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng trăm cơ quan báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin, nhưng Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh luôn giữ vững định hướng tuyên truyền, tôn chỉ mục đích, không “báo hoá” tạp chí. Hoạt động của phóng viên, nhất là các phóng viên thường trú không vi phạm đạo đức nghề nghiệp, giữ vững phẩm chất của người làm báo chân chính”.
Thay mặt Ban Thường vụ Hiệp hội, Phó Tổng Biên tập Vũ Văn Quang biểu dương và đánh giá cao những thành tích bước đầu của Tạp chí, đồng thời mong rằng, trong thời gian tới, phát huy những thành tích, kết quả đã đạt được, tập thể Ban Biên tập cùng toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng và giữ vững tư cách, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm báo chân chính, chuyên nghiệp, hiện đại để xây dựng Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh trở thành một tờ Tạp chí có uy tín trong làng báo chí Việt Nam, xứng đáng là diễn đàn, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Đầu tư, xây dựng - Dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam.
Nhân dịp này, Ban Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh cũng đã trao giải cuộc thi “Vì Việt Nam Xanh”.
Trước đó, chỉ sau 02 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần một trăm tác phẩm dự thi là những bài viết, phóng sự truyền hình của các tác giả là nhà báo, nhà nghiên cứu, cộng tác viên các bộ, ngành, địa phương.
Tại buổi lễ công bố giải cuộc thi, nhà báo Lê Hữu Quế, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội, Trưởng Ban Giám khảo đánh giá: “Hầu hết các tác phẩm dự thi đều có giá trị tư tưởng, lý luận và thực tiễn, có sức hấp dẫn, tính thuyết phục cao. Khi tác giả đề cập, phản ánh các mô hình, điển hình phát triển kinh tế xanh bền vững”.
Cũng theo ông Quế, đó là câu chuyện và hình ảnh hết sức cảm động của nhà văn Nguyễn Đức Lợi hơn 20 năm kiên trì chống chọi, vượt lên bệnh tật hiểm nghèo và cả đi vay nợ để xây dựng thành công hai mô hình kinh tế xanh: Trồng tảo Spirulina – một loại thực phẩm được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là “thực phẩm bảo vệ sức khoẻ tốt nhất của loài người trong thế kỷ 21” và khu du lịch sinh thái xanh độc đáo “Đào Viên Sơn” ở bản Bua, xã Ẳng Tớ, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên. Và, đó là hành trình vượt qua muôn vàn khó khăn để làm thay đổi một quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ của Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee để tạo ra sản phẩm cà phê ngon, thơm, độc lạ nổi tiếng được người tiêu dùng tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Nga, Hà Lan… yêu thích trên vùng đất Khe Sanh lịch sử.
Là Khoa y dược, trường Đại học Thành Đông (Hải Dương) đã quyết tâm biến Tuyên bố Talloires, được ký kết năm 1990 tại Pháp cam kết xây dựng bền vững môi trường trong ngành giáo dục thành hiện thực qua những khuôn viên xanh màu lá của nhiều lại cây dược liệu quý chiếm 2/3 diện tích nhà trường. Là hình ảnh vị Thượng tướng, Viện sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hiêu, ngoài thành công của chiến dịch “Màu xanh đồng bằng” trồng 600 ha rừng tại Bỉm Sơn, Thanh Hoá, giờ đây, đã có hơn 70 tuổi, nhưng ông vẫn đi khắp mọi miền đất nước hăng say, miệt mài vận động nhân dân trồng cây bảo vệ môi trường.
Doanh nhân Giáp Văn Thanh, Giám đốc Công ty cách âm, cách nhiệt Phương Nam mong muốn quyết tâm đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào ngành sản xuất vật liệu xanh bền vững…
Và còn rất nhiều nhân vật, sự kiện, công nghệ, sản phẩm xanh đã được các tác phẩm, tác giả phản ánh khá sinh động, hấp dẫn từ rất nhiều mô hình, điển hình kinh tế xanh đã triển khai, xây dựng thành công ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trưởng ban Giám khảo cuộc thi, ông Lê Hữu Quế nhận định: “Nội dung các tác phẩm dự thi “Vì Việt Nam Xanh” đã góp phần quan trọng khẳng định, tôn vinh ý chí, nghị lực, bản lĩnh, trí tuệ và tình yêu thiết tha của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là các doanh nhân quyết tâm chung tay xây dựng, phát triển một nền kinh tế xanh, môi trường xanh bền vững ở Việt Nam. Điều này đã minh chứng hùng hồn: Các chủ trương, chính sách, quyết tâm chính trị của Đảng, của Nhà nước cho xây dựng một nền xây dựng, phát triển một nền kinh tế xanh tuần hoàn bền vững ở Việt Nam là vô cùng đúng đắn, hợp với quy luật, xu thế phát triển kinh tế của thời đại, của thế giới và được nhân dân, nhất là giới doanh nhân, tri thức hoàn toàn ủng hộ”.
Ban Giám khảo cuộc thi đã lựa chọn được các tác phẩm xuất sắc, trao giải như sau:
- Giải Nhất: Không có
- Giải Nhì gồm 2 tác phẩm:
* Bài viết “Nhà văn vượt lên bệnh tật, xây dựng hai mô hình kinh tế xanh” của tác giả Trần Dũng
* Phóng sự “Những giá trị từ các mô hình nông nghiệp sinh thái” của tác giả Đông Kiểm
- Giải Ba gồm 3 tác phẩm:
* Bài viết “Khoa Y Dược trường Đại học Thành Đông: Không gian xanh và vườn dược liệu sạch” của tác giả Nguyễn Mai Anh
* Bài viết “Cà phê đặc sản Khe Sanh – Hiện thực và triển vọng” của tác giả Thành Chung – Lê An
* Bài viết “Công ty cách âm cách nhiệt Phương Nam nỗ lực cho vật liệu xanh” của tác giả Từ Ngọc Lang
- Giải Khuyến khích gồm 5 tác phẩm:
* Bài viết “Hà Giang, miền du lịch xanh đầy tiềm năng” của tác giả Nguyễn Thị Dịu, Nguyên Hằng
* Bài viết “Dấu ấn về mô hình hợp tác xã kinh tế xanh phát triển bền vững” của tác giả Phương Vi
* Bài viết “Fago 4.0 giúp nông dân bứt phá” của tác giả Ngọc Oanh
* Bài viết “Kinh tế xã hội trong đại dịch Covid-19 và hành động toàn diện để không ai bị bỏ lại phía sau trong chuyển đổi xanh” của tác giả Lê Thành Ý.
* Bài viết “Làm ra cái lạ mới tài” của tác giả Đặng Thị Việt Quỳnh.
Ngoài ra, Ban Giám khảo quyết định tặng tặng phẩm cho các tác giả có nhiều tác phẩm dự thi, tặng phẩm cho các nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm dự giải.