Dựng ‘hiện trường giả’ để đối phó thanh tra: Cần làm trách nhiệm của các cá nhân liên quan

23:26 - 20/06/2022

Để nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay thì chính cơ quan có thẩm quyền thanh tra phải thực hiện nghiêm túc trong quá trình thanh tra với đối tượng, xem xét các tình tiết thực tiễn liên quan đến đối tượng thanh tra để đánh giá khách quan, chính xác và đưa ra kết luận...

 

  Luật sư Trần Xuân Tiền.

Ngày 14/6, Thanh tra Chính phủ đã lập biên bản nhắc nhở UBND huyện Long Hồ cùng nhiều phòng, ban chuyên môn của cơ quan này về việc cung cấp tài liệu, báo cáo không trung thực.

Theo biên bản, trong thời gian Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ làm việc tại tỉnh Vĩnh Long, Đoàn đã có nhắc nhở, cảnh báo nhiều lần với Chủ tịch UBND huyện Long Hồ về thái độ, tinh thần phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của nhiều phòng, ban chuyên môn thuộc huyện này.

Tuy nhiên, UBND huyện Long Hồ không cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ và báo cáo không trung thực, không chính xác, gây khó khăn cho đoàn công tác Thanh tra Chính phủ.

Cụ thể, tại báo cáo số 137 ngày 10/6/2022 của UBND huyện Long Hồ khẳng định với Thanh tra Chính phủ dự án xây dựng nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Phú đã thực hiện. Thế nhưng, khi đoàn thanh tra đi kiểm tra thực tế thì phát hiện dự án trên chưa thực hiện. Cụ thể, hiện trạng chỉ là khu đất được dựng vách tôn, làm hàng rào, có nhà lán bằng tôn. Thực tế đây là hiện trường mới dựng để đối phó, còn bản chất dự án là chưa triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chi cục Thuế khu vực 1 không báo cáo, không cung cấp được tài liệu liên quan việc cho thuê đất bãi bồi giai đoạn năm 2013-2016, với lý do Chi Cục thuế không còn lưu giữ hồ sơ để báo cáo.

Nhận định về vấn đề nêu trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, UBND huyện Long Hồ là cơ quan đầu não của huyện nhưng lại có những hành vi trái pháp luật như báo cáo không trung thực, cố tình dựng “hiện trường giả” để qua mắt cơ quan chức năng. Hành vi trên của UBND huyện Long Hồ đã vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực thanh tra. Để răn đe và tránh tình trạng “nhờn” pháp luật thì hành vi của cơ quan cần phải bị xử lý nghiêm minh. 

Theo Luật sư Tiền, pháp luật hiện hành đã quy định đối tượng thanh tra phải có nghĩa vụ cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu theo yêu cầu của người có thẩm quyền thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp căn cứ theo Điều 58 Luật Thanh tra năm 2010. Trong trường hợp này, việc UBND huyện Long Hồ khẳng định đã thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội nhưng trên thực tế dự án chưa được thực hiện và Chi Cục thuế khu vực I không cung cấp được tài liệu liên quan đến cho thuê đất là không làm đúng nghĩa vụ của mình, vi phạm quy định về các hành vi bị cấm trong việc thanh tra, cụ thể tại  khoản 5, khoản 6 Điều 13 Luật Thanh tra 2010 về hành vi cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra. 

Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 86/2011/NĐ-CP, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Chủ tịch UBND huyện Long Hồ và Chi Cục trưởng Chi Cục thuế khu vực I sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ vai trò làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan vì dự án tuy đã được cấp phép xây dựng nhà ở xã hội vào ngày 08/1/2021 và được UBND xác nhận "Đã thực hiện dự án" tại Báo cáo số 137/BC-UBND ngày 10/6/2022 nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện và việc dựng vách tôn làm hàng rào chỉ là biện pháp chống chế của UBND. 

Luật sư Tiền cho biết thêm, để nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay thì chính cơ quan có thẩm quyền thanh tra phải thực hiện nghiêm túc trong quá trình thanh tra với đối tượng, xem xét các tình tiết thực tiễn liên quan đến đối tượng thanh tra để đánh giá khách quan, chính xác và đưa ra kết luận phản ánh đúng thực trạng có vi phạm hay không vi phạm, vi phạm đến đâu và vi phạm như thế nào nhằm tạo điều kiện cho công tác áp dụng đúng chế tài nếu có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ trong cơ quan thanh tra cũng phải không ngừng tự trau dồi chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cũng như nêu cao tinh thần làm việc nghiêm túc, chính trực, hạn chế để mình sa ngã vào những “tiêu cực” không đáng có. Ngoài ra, cần nêu cao tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với hoạt động của cơ quan nhà nước để nhân dân chính là người giám sát hiệu quả và kịp thời thông tin đến cơ quan thanh tra về hành vi có dấu hiệu vi phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền lực công, từ đây, các cơ quan thanh tra có cơ sở để xử lý nhanh chóng, kịp thời đối tượng có hành vi vi phạm.  

 PV

Bạn đang đọc bài viết "Dựng ‘hiện trường giả’ để đối phó thanh tra: Cần làm trách nhiệm của các cá nhân liên quan" tại chuyên mục XÃ HỘI. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0916 646 777) hoặc gửi email về địa chỉ ( doisongvathuonghieu@gmail.com).
\