Như chúng tôi đã phản ánh về tình trạng người thuê trọ lao đao với tiền điện mùa hè, một trong những nguyên nhân được cho là giá mỗi số điện tại nhiều cơ sở kinh doanh nhà trọ hiện nay đang cao hơn giá quy định của Nhà nước. Do đó, khi vào hè, nhu cầu làm mát tăng cao, tiền điện cũng trở nên "đột biến".
Trên thực tế, đã có những thông tư, quy định chi tiết về giá bán điện tại các hộ kinh doanh thuê trọ và cả hình thức xử phạt nếu vi phạm. Song, nhiều người thuê trọ vẫn phải sử dụng điện với mức giá đắt đỏ.
Nhiều chủ trọ tính tiền điện quá cao
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học, luật sư Hoàng Văn Hóa - Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết, theo quy định của pháp luật hiện nay, giá tiền cho mỗi số điện mà người thuê trọ phải chịu cao nhất là 3.600 đồng.
Cụ thể, theo Thông tư 25/2018/TT-BTC, nội dung về "sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BCT quy định liên quan đến việc thực hiện giá bán điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở" có 3 trường hợp liên quan đến tiền điện cần lưu ý dưới đây:
Trường hợp 1: Chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà: cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Trường hợp 2: Bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (với EVN).
Trường hợp 3: Người thuê nhà dưới 12 tháng và không xác định được số hộ sẽ ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo giá điện của bậc thang thứ 3 (2.014 đồng/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ.
Luật sư Hoàng Văn Hóa cho biết thêm, trong trường hợp chủ trọ không đăng ký kinh doanh cho thuê trọ theo quy định mà sử dụng 1 công tơ hộ gia đình rồi chia nhỏ thành nhiều công tơ cho các phòng trọ, thì giá điện sẽ được tính theo khung 6 bậc, cao nhất là 3.200 đồng/kWh.
Ngoài ra, chủ trọ có thể thu thêm khoảng 10% phí bù vào tổn hao điện năng và các chi phí khác phục vụ cho quá trình dẫn điện đến các phòng trọ.
Như vậy, theo quy định giá điện cho thuê nhà trọ có 06 bậc, bậc tối đa là 2.927đ/Kwh "Việc các chủ nhà trọ tính giá 4.000 đồng, 4.500 đồng, thậm chí 5.000 đồng cho mỗi số điện là quá cao", luật sư Hóa khẳng định.
Người thuê trọ có thể kiến nghị
Theo luật sư Hoàng Văn Hóa, nếu người thuê trọ phát hiện mình bị thu tiền điện cao hơn so với quy định của Nhà nước thì có thể thu thập chứng cứ để kiến nghị với chủ trọ.
"Phương án hợp tình, hợp lý để bảo vệ người thuê trọ là gặp gỡ trao đổi với chủ nhà trọ. Người thuê nhà trọ cần tập hợp dầy đủ giấy tờ, tài liệu để chứng minh là mình bị thu tiền điện cao so với quy định của Nhà nước thì mới nói lại được bên cho thuê", luật sư Hóa nhấn mạnh.
Chứng cứ có thể là hóa đơn hoặc sổ thu tiền trọ hằng tháng có chữ ký của chủ trọ và người thuê trọ. Trong đó, nêu rõ giá tiền của mỗi số điện (cao hơn mức quy định của Nhà nước). Hoặc chứng cứ có thể là ảnh chụp màn hình chuyển khoản đến chủ trọ. Tuy nhiên, vẫn cần ký tại sổ hoặc hóa đơn có nêu rõ giá tiền cho mỗi số điện.
"Về nguyên tắc thì khi thu, nộp tiền trọ hằng tháng phải có biên lai, phiếu thu đàng hoàng", luật sư Hoàng Văn Hóa cho biết thêm.
Sau khi đã có đủ cơ sở, người thuê trọ có thể kiến nghị với chủ nhà là họ đang thu tiền điện ở mức cao so với Thông tư 25/2018/TT-BCT. Và theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP, chủ trọ sẽ bị xử lý vi phạm (nếu có).
Theo khoản 6 điều 12, Nghị định 17/2022/NĐ-CP, "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ".
Trong trường hợp chủ nhà trọ không đồng ý với kiến nghị, người thuê trọ có thể kiến nghị với bên cấp điện là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) (bộ phận tiếp công dân hoặc chăm sóc khách hàng của Điện lực cấp quận, huyện nơi có khúc mắc về mua bán điện).
Quy trình là vậy, nhưng theo luật sư Hoàng Văn Hóa, để EVN xuống giải quyết là rất khó bởi mấu chốt vẫn là người chủ trọ có hợp tác xử lý hay không.
"Vấn đề thuê nhà là thỏa thuận của hai bên, thuận mua vừa bán. Tiền điện thuê trọ cũng thế. Người tiêu dùng thông thái thì chỗ nào giá tốt mà phù hợp thì mình sử dụng thôi", luật sư Hóa chia sẻ.
Trong thực tế, mức 4.000 – 5.000 đồng/kWh vẫn được coi như "giá điện chung" của người lao động, sinh viên khi đi thuê trọ tại các thành phố lớn. Dù có phản đối giá điện ở nơi này, người thuê trọ vẫn phải chịu giá điện tương tự ở những nhà khác cùng khu vực hoặc phải chấp nhận tìm đến nhà trọ có giá điện phù hợp hơn nhưng rất có thể sẽ xa nơi làm việc, học tập. Và cuối cùng, chịu thiệt thòi nhất vẫn là người thuê trọ.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Hoàng Văn Hóa chia sẻ: "Đây là một thực trạng khá nan giải mà muốn giải quyết được thì cần phải có chính sách đồng bộ. Các xã, phường, thị trấn, Cục Thuế, Sở Công thương và cả các cơ quan báo chí phải vào cuộc. Một cá nhân như một hạt cát nhỏ thì khó có thể làm gì được".